资产发布器

null Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong lực lượng vũ trang Tỉnh

Chi tiết bài viết Đảng - Chính trị

Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong lực lượng vũ trang Tỉnh

Trong những năm qua, chất lượng sinh hoạt chi bộ trong lực lượng vũ trang tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Nổi bật là đã phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; đảng viên có trách nhiệm hơn trong tham gia ý kiến, tham luận, thảo luận tìm giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại; tinh thần tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng... Từ đó góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Đó là, vẫn có chi bộ nội dung sinh hoạt chưa sâu, chưa gắn với việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị tại đơn vị mình; tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình có chưa cao, kể cả cấp ủy. Một số đảng viên tinh thần, trách nhiệm xây dựng Đảng có lúc còn hạn chế; chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến hoặc phát biểu ý kiến xuôi chiều, nể nang, ngại đóng góp, nhắc nhở, chỉ ra những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội, nhất là khi đóng góp cho cấp trên...

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, cấp ủy, chi bộ cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình hiện nay. Đồng thời, không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trước hết là đồng chí bí thư và cán bộ chủ trì.

Cấp ủy, Chi bộ duy trì nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của cấp trên. Các chi bộ cần xác định, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt là yêu cầu thường xuyên của công tác xây dựng đảng, đồng thời cũng là một trong những biện pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Song song đó, cấp ủy, chi bộ phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng nội dung sinh hoạt cho phù hợp với tình hình đặc điểm của đơn vị mình. Kết hợp các cuộc họp của cấp ủy, chi bộ với các cuộc họp về chuyên môn để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác xây dựng đảng.

Trước khi sinh hoạt chi bộ, trong cấp ủy cần có sự phân công chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ. Bí thư chi bộ là người dự thảo nội dung và điều hành, do vậy, buổi sinh hoạt chi bộ có chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào khâu chuẩn bị của chi ủy mà trước hết là đồng chí bí thư chi bộ. Trong sinh hoạt, người chủ trì phải biết cách gợi ý đúng nội dung, thời điểm, tạo không khí cởi mở, gần gũi để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Mặc khác, đảng viên có trách nhiệm chuẩn bị và tham gia phát biểu ý kiến xây dựng nghị quyết, phát huy cao độ trí tuệ của tập thể. Từ việc bàn bạc dân chủ, đi đến thống nhất cao trong cấp ủy, chi bộ thì việc ra nghị quyết lãnh đạo đơn vị sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, tạo không khí buổi sinh hoạt chi bộ thực sự dân chủ, đúng nguyên tắc, nhưng cũng không khô cứng, nhàm chán.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn các cấp cần phải thực hiện kịp thời để bảo đảm tính thời sự của thông tin, kịp thời định hướng được dư luận xã hội, đơn vị, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh việc duy trì nghiêm về nề nếp sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, căn cứ chỉ thị, nghị quyết, định hướng của cấp trên và đặc điểm, tình hình của chi bộ, cấp ủy chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần. Nội dung các buổi sinh hoạt chuyên đề tập trung vào các nhóm vấn đề: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cấp trên liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, ch đạo của chi bộ; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; các giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chi bộ; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị…

Đối với đảng ủy cơ sở, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của chi bộ; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xử lý nghiêm những đảng viên, kể cả cấp ủy viên không chấp hành việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng, cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt chuyên đề nói riêng.

Có thể nói, sinh hoạt chi bộ là một trong những nội dung cơ bản của công tác xây dựng đảng. Đảng chỉ mạnh khi có các chi bộ mạnh. Do đó, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một yêu cầu cấp thiết, nhằm xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng tổ chức đảng vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh.

                                                                                     Quốc Thái