Tiếng sấm đầu mùa
“Kia là tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung đang đắm chìm trong những làn gió thơm ngát mùi lúa chín”, chúng tôi đưa mắt nhìn theo hướng tay ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp. Đằng xa, tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung, xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) đứng kiêu hùng giữa trời thu trong xanh.
Ông Hiền nói: "Ngày trước, địa danh Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung thuộc hai huyện Thanh Bình, Hồng Ngự (tỉnh Kiến Phong), nay thuộc huyện Tân Hồng, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp). Nơi đây gắn liền với hào khí “Tiếng sấm đầu mùa" của quân và dân tỉnh Đồng Tháp nói chung, của Tiểu đoàn 502, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Đồng thời là chứng tích khắc ghi thành quả đấu tranh, làm thất bại chiến lược gom dân lập ấp của địch; thôi thúc quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long tiến bước vào giai đoạn đồng khởi giải phóng nông thôn vào cuối năm 1959, đầu năm 1960".
Câu chuyện của ông Hiền đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử, trở về với chiến trường mùa nước nổi nơi biên thùy Đồng Tháp. Năm 1959, ông Hiền thuộc tổ báo chí của Ban Tuyên huấn Tỉnh đội Kiến Phong (phiên hiệu cũ), vừa làm nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường, vừa cùng các đơn vị tham gia chiến đấu. Vào ngày 23-9-1959, tại Giồng Thị Đam, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 Quân Giải phóng Bình Xuyên được liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ chính thức đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 502. Chỉ sau hai ngày thành lập, Đại đội 271, Tiểu đoàn 502 đã được giao nhiệm vụ: Phối hợp với các cơ sở cách mạng xã Bình Thạnh (Hồng Ngự) thực hiện võ trang tuyên truyền, phá kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch; đánh diệt trung đội bảo an rất ác ôn đang đóng tại Giồng Thị Đam.
Di tích Giồng Thị Đam - Gò Quảng Cung là địa chỉ đỏ
giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Thế nhưng trong thời gian tổ chức Đại đội 271 về Giồng Thị Đam, hoạt động của ta bị lộ. Địch điều động nhiều cánh quân, gồm: 6 đại đội chủ lực của tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 43, sư đoàn 23; 1 đại đội bảo an tiểu khu Kiến Phong; 3 tàu chiến bố trí trên kênh Phước Xuyên với ý định tìm tiêu diệt lực lượng ta tại Giồng Thị Đam và mở cuộc càn quét khu vực Gò Quản Cung. Do đó, khi Đại đội 271 vừa chân ướt chân ráo đến Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung, địch đã mở các cuộc càn quét, lục soát theo các hướng hòng tìm diệt lực lượng cách mạng.
Ông Nguyễn Đắc Hiền (bên trái) kể chuyện chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung
Ông Hiền kể: “9 giờ sáng 26-9, trinh sát của ta phát hiện một cánh quân địch từ Sa Rài tiến về hướng Giồng Thị Đam. Lực lượng ta lúc này chưa đến 100 người. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, phân tích tình hình địch và ta, cuối cùng đi đến thống nhất: “Toàn lực lượng kiên cường bám trụ, phục kích đánh địch”. Theo mệnh lệnh của tiểu đoàn, lực lượng ở Giồng Thị Đam khẩn trương di chuyển và bố trí các bộ phận tại những điểm trọng yếu trên hướng hành quân của địch; lợi dụng địa hình, địa vật có lợi để ẩn nấp, ngụy trang. Toàn đơn vị hừng hực khí thế quyết giành thắng lợi ở trận đầu ra quân, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
Đúng như nhận định của ta, cánh quân địch hành quân bằng xuồng từ Sa Rài đi theo đường cộ (vệt đường xe trâu đi trong mùa khô, đến mùa nước, xuồng ghe theo đó dễ đi lại) tiến dần đến Giồng Thị Đam. Khi địch cách trận địa phục kích khoảng 10m, tổ trung liên được lệnh bắn thẳng vào xuồng chỉ huy của địch. Tiếp theo đó, lực lượng ta từ các vị trí ẩn nấp đồng loạt nổ súng xung phong. Bị đánh bất ngờ, địch nhốn nháo, đội hình rối loạn. Chúng quăng súng, nhảy xuống nước xin đầu hàng. Sau 15 phút nổ súng, ta đã làm chủ trận đánh. Đại đội 12 đi đầu và ban chỉ huy tiểu đoàn 3 của địch phần bị tiêu diệt, phần bị bắt làm tù binh.
Trận đánh vừa dứt, đơn vị tiếp tục nhận mệnh lệnh từ Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 “hành quân cấp tốc về Gò Quản Cung (cách vị trí vừa chiến đấu khoảng 3km), đón, đánh chặn đội hình địch đang đi càn bằng xuồng đến Gò Quản Cung”.
Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, tại phía nam Gò Quản Cung, lực lượng Đại đội 271 vừa bố trí xong trận địa phục kích thì cánh quân thứ hai của địch cũng vừa tới. Theo kế hoạch tác chiến, phía ta cử hai chiến sĩ trinh sát bơi xuồng ra nhử địch vào trận địa phục kích. Khi đến Gò Bộ Tức (cách trận địa tầm hơn 1km), hai chiến sĩ trinh sát vờ như bất ngờ gặp địch, bắn chặn và bơi xuồng rút lui. Thấy thế, địch hùng hổ nổ súng, đuổi theo bơi xuồng sâu vào trận địa phục kích của ta. Ngay lập tức, cả trận địa nổ súng giết giặc. Địch hoảng loạn phá đội hình, phần bị tiêu diệt, phần bị bắt sống, còn số ít bỏ chạy thục mạng. Như vậy, trong ngày 26-9, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 502 đã diệt gọn hai đại đội và ban chỉ huy tiểu đoàn 3, trung đoàn 43, sư đoàn 23 chủ lực ngụy; đánh bại cuộc hành quân càn quét cấp trung đoàn do phân khu bắc tổ chức; bắt 105 tù binh, thu 127 súng, 12 máy thông tin và nhiều quân dụng khác.
Thoáng chút ngậm ngùi, ông Hiền cho biết: "Sau trận đánh ngày 26-9, lực lượng ta hy sinh 1, bị thương 2 đồng chí nhưng Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung là chiến công xuất sắc đầu tiên của Tiểu đoàn 502 chỉ sau 3 ngày được thành lập. Chiến công này được ví như tiếng sấm đầu mùa làm lung lay ý chí và sức chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền; thể hiện ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ ta. Từ đó tạo nên bước ngoặt và tình thế cách mạng mới ở địa phương, cổ vũ tinh thần, khí thế đấu tranh của nhân dân trong tỉnh và ảnh hưởng lan rộng ra nhiều địa phương khác".
Thế Hiển - Trung Thắng