LLVT tỉnh chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra nhiều vụ sạt lở và mưa to kèm dông lốc làm sập hàng chục căn nhà, nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng, giảm năng suất, tổng thiệt hại tài sản ước tính hơn 9 tỷ đồng. Nhờ có sự chủ động phòng ngừa, ứng phó nên khi các vụ việc xảy ra, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện trang bị hiện có đã kịp thời có mặt tại hiện trường giúp dân di dời nhà ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, sắp xếp nơi ở tạm cho bà con có nhà bị sập, tốc mái, đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hơn 626 triệu đồng vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.
Các địa phương tích cực diễn tập phương án phòng chống lụt bão.
Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh đã có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để có sự chủ động về lực lượng, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng cơ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Đồng thời xây dựng các phương án xử trí tình huống sát với tình hình địa bàn và duy trì chặt chẽ các chế độ trực chỉ huy, trực ban cứu hộ, cứu nạn tại sở chỉ huy các cấp. Từng đơn vị chủ động theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí hậu thuỷ văn, chuẩn bị tốt lực lượng, trang bị, phương tiện cho các tình huống do thiên tai gây ra.
Theo Đại tá Phạm Văn Mười, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh “Việc chủ động các phương án giúp dân ứng phó với các tình huống thiên tai là nhiệm vụ chính trị quan trọng của LLVT tỉnh. Chính vì vậy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động xây dựng phương án, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành khảo sát, dự báo, đánh giá sát tình hình, nâng cao chất lượng công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nhận rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ”.
Tháp Mười là địa bàn thường xảy ra giông lốc vào mùa mưa. Chính vì vậy, Ban chỉ huy quân sự huyện đã bổ sung điều chỉnh, gắn huấn luyện quân sự với huấn luyện phòng chống lụt bão. Đồng thời quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân, dự bị động viên trên địa bàn về ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là khi có tình huống đột xuất xảy ra. Trung tá Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tháp Mười cho biết: “Ban CHQS luôn quán triệt, bồi dưỡng kỹ năng, hành động cho các lực lượng bộ đội thường trực, dân quân khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Duy trì nghiêm các kíp trực từ huyện đến xã, thị trấn nắm thông tin kịp thời điều động lực lượng “4 tại chỗ” giúp khắc phục hậu quả thiên tai.
Thực hiện phương châm “3 trước” gồm: Chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước và “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng chỗ, hậu cần tại chỗ. Qua đó Ban Chỉ huy quân sự huyện đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai kế hoạch mua sắm bảo đảm dụng cụ, vật tư cho các đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; duy trì nghiêm chế độ trực, đồng thời thường xuyên tổ chức huấn luyện, luyện tập các phương án cứu nạn trên sông, nắm chắc tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn, nhằm huy động lực lượng ứng phó kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng chí Nguyễn Văn Bền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cho biết: “Hiện nay, Ban CHQS xã có tiểu đội dân quân thường trực, đây là lực lượng sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Ngoài ra, nếu cần thêm lực lượng, Ban Chỉ huy tham mưu cho Ủy ban điều động thêm Trung đội dân quân cơ động sẵn sàng tham gia ứng cứu”.
Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giúp dân chèo néo nhà cửa phòng chống giông lốc.
Một trong những nguyên nhân có nguy cơ mất an toàn nhà ở trong mùa mưa bảo do các tuyến dân cư nằm ở khu vực đồng trống, mặt khác còn nhiều nhà dân bị xuống cấp nên khi giông lốc xảy ra có thể làm sập hoặc tốc mái. Chính vì vậy, Ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn cũng tập trung rà soát từng hộ và bố trí lực lượng hỗ trợ chằng néo, đồng thời tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân ý thức cảnh giác ứng phó với thiên tai. Bà NGUYỄN THỊ ĐẨM, ấp 2, xã Hưng Thạnh nói: “Tôi rất mừng khi thấy mấy chú dân quân, chính quyền thường xuyên tới lui thăm hỏi, động viên, đồng thời giúp bà con chằng néo nhà cửa, Tui thấy cũng yên tâm phần nào, không lo mưa gió hỏng sợ sập”.
Các lực lượng giúp dân sửa nhà, khắc phục hậu quả giông lốc.
Vừa qua tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười mưa lớn kèm theo dông lốc làm tóc mái 17 căn nhà, thiệt hại trên 200 triệu đồng. Các lực lượng cùng dân quân xã cũng đã kịp thời có mặt hỗ trợ người dân di dời tài sản đảm bảo an toàn, đồng thời giúp các hộ khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Phước Nhàn, ấp 2B, xã Hưng Thạnh nhớ lại: “Bữa đó, mưa lớn kèm sức gió rất mạnh, mái tol tốc bay hoàn toàn, chỉ còn cột, nhiêu bay hết. Đêm đó, lực lượng Dân quân đến giúp gia đình dọn dẹp, sáng mới tiếp sửa, lợp nhà, tui rất biết ơn, cũng nhờ mấy chú đến tiếp, gia đình mới nhanh chóng ôn định”.
Đồng chí Lê Duy Khánh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hưng Thạnh cho biết thêm: “Bữa rồi gió bất ngờ, trước đó hầu như không mưa nhưng giông mạnh ảnh hưởng nhà dân nhiều. Sau khi hết giông, chúng tôi đi khảo sát và nhanh chống điều lực lượng xuống hỗ trợ các gia đình trong đêm dọn dẹp, tới hôm sau điều thêm lực lượng để khắc phục. Mặc dù thời tiết khó khăn enh em tham gia rất cực tích cực”.
Với diễn biến phức tạp thời tiết hiện nay, việc chuẩn bị nhân lực và vật lực cùng với tinh thần chủ động triển khai tốt các phương án về phòng chống thiên tai, đồng thời xử lý hiệu quả những tình huống phức tạp có thể xảy ra giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay là hết sức cần thiết.
Quốc Hưng