Publicador de continguts

null (Tiếp bài: Xây dựng nền quốc phòng) Cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng

Chi tiết bài viết Tin tức

(Tiếp bài: Xây dựng nền quốc phòng) Cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng và cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng.

1. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân và nền quốc phòng

Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối và quyết định các vấn đề liên quan đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc, thông qua các tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong các hoạt động quốc phòng.

Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân nhằm xây dựng quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở.

Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội gồm có Quân uỷ Trung ương và Đảng bộ quân sự các cấp. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Quân uỷ Trung ương còn có Phó Bí thư và các Uỷ viên do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công tác trong quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công tác ngoài quân đội. Các cấp uỷ đảng từ cấp trực thuộc Quân uỷ Trung ương đến cấp cơ sở do các đại hội đảng cùng cấp bầu. 

Quân uỷ Trung ương nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của đảng với Quân đội nhân dân. Quân uỷ Trung ương có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp uỷ trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng. Quân uỷ Trung ương trực tiếp lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh. Thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, Quân uỷ Trung ương bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đảng uỷ Quân sự Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội, quyết định các vấn đề về công tác cán bộ trong quân đội. Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Tổng cục Chính trị và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các Đảng bộ và hệ thống chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hệ thống cơ quan chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có Tổng cục Chính trị và các cục, phòng và ban chính trị ở các đơn vị. Tổng cục Chính trị chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và trực tiếp, thường xuyên là của Quân uỷ Trung ương. Căn cứ nghị quyết, chỉ thị của Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề xuất với Quân uỷ Trung ương các chủ trương, biện pháp, kế hoạch tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp trong toàn quân thực hiện. Các cơ quan chính trị trong quân đội tiến hành giáo dục bồi dưỡng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo hướng dẫn xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; hướng dẫn các đơn vị đấu tranh với các luận điệu chiến tranh tâm lý; phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Chính uỷ, chính trị viên là cán bộ chủ trì về chính trị ở các cấp. Từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn và tương đương có chính trị viên. Từ cấp trung đoàn đến cấp quân khu và tương đương có chính uỷ. Chính uỷ, chính trị viên chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp uỷ cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức tiến hành các nội dung công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ đồng thời tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác của đơn vị.

2. Quản lý nhà nước về quốc phòng

Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện việc quản lý quốc phòng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà nước về quốc phòng gồm ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; ký kết các điều ước quốc tế về hợp tác quốc phòng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền ban hành các đạo luật liên quan đến chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang... Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động quốc phòng của Nhà nước. Trong thời gian từ năm 2005 đến nay, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến quốc phòng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật An ninh Quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Biên giới quốc gia... Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều pháp lệnh về quốc phòng như Pháp lệnh Cảnh sát biển, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Pháp lệnh Động viên quốc phòng, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng...

Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; công bố và ban hành các đạo luật, pháp lệnh về quốc phòng khác; quyết định phong hàm cấp thượng tướng, đại tướng cho sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành các nghị định, nghị quyết để cụ thể hoá việc thực hiện các luật, pháp lệnh về quốc phòng. Chính phủ cũng ban hành các chính sách về củng cố quốc phòng và xây dựng quân đội, lập quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Theo phân cấp, các bộ ngành tiến hành giáo dục quốc phòng, hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất cho lực lượng vũ trang và thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng... Từ năm 2004 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quốc phòng. Chính phủ đã thể chế hóa trách nhiệm của các ngành các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng các tỉnh (thành phố) thành các khu vực phòng thủ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh làm cơ sở vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân. Thủ tướng Chính phủ quyết định phong hàm cấp thiếu tướng, trung  tướng cho sĩ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Bộ Quốc phòng là cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện việc xây dựng, quản lý và chỉ huy Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; quản lý các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa là người chỉ đạo thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật, vừa chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng, quản lý và là người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ Quốc phòng có Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tổng cục và các đơn vị trực thuộc khác. Bộ Quốc phòng quyết định phong hàm cấp tá, cấp úy cho sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chỉ huy, điều hành Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng. Bộ Tổng tham mưu tổ chức, chỉ đạo sự phát triển của quân đội và dân quân tự vệ đồng thời chỉ huy các hoạt động quân sự. Bộ Tổng tham mưu có Tổng Tham mưu trưởng, các Phó Tổng tham mưu trưởng, các cục chức năng về tác chiến, huấn luyện, quân lực, dân quân tự vệ, nhà trường quân đội... Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người thay thế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành các hoạt động của Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt. Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu xây dựng chiến lược quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch phòng thủ đất nước, chủ trì phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định pháp luật về quốc phòng, kiểm tra đôn đốc các đơn vị quân đội chấp hành pháp luật của Nhà nước, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tổng cục Chính trị là cơ quan chỉ đạo và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Tổng cục có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm, các cục chức năng chịu trách nhiệm về công tác cán bộ, tuyên huấn, tổ chức đảng, công tác dân vận, an ninh quân đội... Tổng cục Chính trị là cơ quan quản lý hành chính đối với hệ thống toà án quân sự, viện kiểm sát quân sự các cấp.

Các cơ quan chức năng cấp tổng cục của Bộ Quốc phòng gồm Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục Tình báo quốc phòng. Các tổng cục có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm (riêng Tổng cục Tình báo quốc phòng có Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng); Chính uỷ và Phó Chính uỷ; cơ quan Tham mưu, cục Chính trị, các cơ quan và đơn vị trực thuộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Tổng cục Hậu cần là cơ quan đầu ngành về hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam; có chức năng tham mưu, chỉ đạo, tổ chức bảo đảm vật chất, bảo đảm sinh hoạt, bảo đảm quân y, bảo đảm vận tải... cho Quân đội.  Tổ chức hiện nay gồm: Văn phòng Tổng cục Hậu cần, Bộ Tham mưu Hậu cần, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, các cục chuyên ngành (Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Xăng dầu, Vận tải...) và một số cơ quan, cơ sở, đơn vị trực thuộc khác.

Tổng cục Kỹ thuật là cơ quan đầu ngành kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng tham mưu, bảo đảm kỹ thuật cho quân đội, có các cục chức năng chịu trách nhiệm về bảo đảm kỹ thuật cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Tổng cục còn có các cơ quan, đơn vị, học viện, trường kỹ thuật chuyên ngành, các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa vũ khí và các đơn vị trực thuộc khác.

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí, trang bị quân dụng cho quân đội và dân quân tự vệ. có các cục chức năng, các nhà máy sản xuất vũ khí, khí tài, các trường dạy nghề, các đơn vị trực thuộc.

Tổng cục Tình báo quốc phòng là cơ quan tình báo chuyên trách chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam; cơ quan tình báo chuyên trách quân sự của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tổng cục Tình báo Quốc phòng là lực lượng  trực tiếp thực hiện công tác tình báo ở cấp chiến lược; là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức lực lượng và hoạt động tình báo, đồng thời là cơ quan đầu ngành trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ tình báo đối với hệ thống quân báo - trinh sát toàn quân.

Cục Cảnh sát biển trực thuộc Bộ Quốc phòng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam có 4 vùng Cảnh sát biển. Cảnh sát biển được trang bị các loại tàu, thuyền đáp ứng các yêu cầu quản lý việc chấp hành pháp luật liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở các khu vực biển Việt Nam. Mọi hoạt động của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành.

Cục Cứu hộ, Cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, chịu trách nhiệm điều phối các lực lượng cả trong và ngoài quân đội trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai và khắc phục hậu quả các thảm hoạ.

Cục Đối ngoại trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước về đối ngoại quốc phòng của quân đội, thực hiện chức năng tham mưu cho Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chủ trương, phương hướng và biện pháp công tác đối ngoại quân sự; hướng dẫn và quản lý các hoạt động đối ngoại quốc phòng; lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại quân sự trong các lĩnh vực được phân công; là đại diện của Bộ Quốc phòng trong quan hệ với Tuỳ viên quốc phòng các nước, các đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và khu vực tại Việt Nam.

Tham mưu, giúp việc cho Bộ Quốc phòng có Văn phòng Bộ Quốc phòng đồng thời là Văn phòng Đảng uỷ Quân sự Trung ương và các cơ quan chức năng khác.

3.  Phương hướng tăng cường lãnh đạo, quản lý về quốc phòng

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quốc phòng là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cơ cấu tổ chức Đảng trong lãnh đạo công tác quốc phòng được xây dựng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, nhất là cấp quân khu và cơ sở. Các nội dung lãnh đạo của Đảng về quốc phòng tiếp tục được bổ sung. Cơ chế hoạt động và trách nhiệm phối hợp của từng cấp, từng ngành, từng địa phương trong các hoạt động liên quan đến quốc phòng, đặc biệt khi xử lý các tình huống phức tạp được quy định ngày càng rõ ràng và hoàn thiện.

Cải cách hành chính nhằm làm cho bộ máy nhà nước trên lĩnh vực quốc phòng hoạt động ngày càng hiệu quả là công tác có tầm quan trọng đặc biệt. Mục tiêu của cải cách hành chính là xây dựng hệ thống hành chính và quản lý hành chính nhà nước về quốc phòng thông suốt, có đủ quyền lực, năng lực, hiệu quả với 3 nội dung chủ yếu là cải cách thể chế của nền hành chính; chấn chỉnh tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước về quốc phòng từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở xác định rõ cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, cán bộ chuyên trách quốc phòng ở các bộ, ngành. Nhiệm vụ quốc phòng của các cơ quan, ban, ngành các cấp được thể chế hoá bằng pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền lực quản lý nhà nước về quốc phòng. Sự phân cấp quản lý nhà nước về quốc phòng giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hoá.

Một trong những chủ trương và giải pháp lớn về cải cách hành chính về quốc phòng là bảo đảm thực hiện dân chủ hóa đời sống chính trị của xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc, trong thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi trên lĩnh vực quốc phòng. Các thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước về quốc phòng tiếp tục được cải cách đồng thời với  xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về quốc phòng trong sạch, có năng lực.

Cán bộ chuyên trách tại các cơ quan chức năng được tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn để phát huy vai trò làm tham mưu trong tổ chức thực hiện xây dựng và quản lý công tác quốc phòng. Quy chế quan hệ, phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, ngành, các cấp hoạt động liên quan đến quốc phòng cần được xây dựng, hoàn thiện để phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống chính sách trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân được nghiên cứu bổ sung, ban hành điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của tình hình mới để mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhiệm vụ quốc phòng.

TT-Nguồn CTTĐT Bộ Quốc phòng